Tò mò tạo động lực sáng tạo cho bé
- Người viết: Đặng Thu Trang lúc
- Cẩm nang bố mẹ thông thái
Óc tò mò (tiếng Anh gọi là intellectual curiosity hoặc curious minds) là một đặc điểm rất tự nhiên của con người. Đối với trẻ nhỏ, óc tò mò càng được thể hiện rõ, với mong muốn được tìm hiểu “ngọn ngành” của mọi thứ xảy ra xung quanh. Sự tò mò thể hiện mạnh mẽ nhất ở giai đoạn trẻ 3 - 11 tuổi, các bé có thể đặt ra hàng trăm câu hỏi mỗi ngày. Tuy vậy, với cuộc sống bận rộn như hiện nay, phần lớn phụ huynh đều lãng quên việc kích thích sự tò mò của con, tập trung quá mức vào vấn đề con cần phải sáng tạo mà quên mất khi các con tò mò tìm hiểu mọi thứ sẽ giúp con phát triển tư duy sáng tạo và phát triển.
1. Tại sao sự tò mò lại tốt cho trẻ?
Tò mò giúp trẻ mở rộng tư duy. Một tư duy rộng mở là chìa khoá để phát triển nhận thức đúng đắn, toàn diện. Một đứa trẻ tò mò luôn trong tâm thế sẵn sàng tìm kiếm câu trả lời cho các thắc mắc của mình, vì thế chúng sẽ khám phá ra rất nhiều điều “bí ẩn” trong cuộc sống hàng ngày.
Trí tò mò giúp trẻ cảm giác tốt, và có khả năng tốt trong việc nắm bắt các khái niệm mới. Do đó giúp nâng cao tiềm năng của trẻ trong việc học tập. Nó cũng đóng một vai trò then chốt trong sự phát triển trí tuệ và tinh thần của trẻ nhỏ. Tính cách này không nên bị kìm nén bởi nếu như vậy nó sẽ gây tác dụng ngược lên sự phát triển của trẻ.
2. Tò mò tạo động lực sáng tạo và phát triển bản thân
Sự tò mò còn giúp con trẻ tiếp nhận thông tin theo nhiều hướng khác nhau. Luôn đặt “câu hỏi” mới giúp con trẻ đào sâu hơn nữa bề mặt của vấn đề, giúp con sáng tạo hơn trong nhiều cách trên con đường tìm ra câu trả lời hay cách giải quyết khác biệt. Đặc biệt, trong kỷ nguyên mới hiện nay, chỉ có tư duy sáng tạo đột phá mới giúp con có thể làm chủ được trí thông minh nhân tạo cũng như những thay đổi toàn diện về cơ cấu nghề nghiệp trong tương lai.
3. Làm thế nào để kích thích trí tò mò của trẻ?
Các trò chơi và hoạt động thể chất có lẽ là cách tốt nhất. Trẻ thường rất tò mò về các loại đồ chơi hay vật dụng của chúng. Do đó, các cha mẹ cần cho con tham gia nhiều hoạt động vui chơi thú vị, tặng con những trò chơi khoa học để kích thích sự ham muốn khám phá của trẻ.
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ ra ngoài tìm hiểu về thiên nhiên. Điều này sẽ mang lại sự mới mẻ và kỳ thú, thúc đẩy trẻ thêm tò mò về cuộc sống bên ngoài.
Ngoài ra, trẻ cũng cần được khuyến khích hỏi thật nhiều. Có được câu trả lời cho các câu hỏi của mình là cách để trẻ cảm thấy thoả mãn trí tò mò. Nhưng trẻ cũng nên được động viên để tự tìm câu trả lời cho các thắc mắc của mình. Điều này giúp trẻ thêm lòng tự tin và nâng cao hiểu biết về mọi thứ xung quanh.
Cha mẹ nên hướng dẫn con cách quan sát, đây là một kĩ năng bổ sung hoàn hảo cho trí tò mò của trẻ. Ngoài ra trẻ nên được rèn luyện khả năng tập trung chú ý.
Cố gắng đừng bỏ qua câu hỏi của bé, cho dù bé không ngừng đặt câu hỏi. Bạn hãy trả lời ngắn gọn và nhẹ nhàng. Thật ra, bé sẽ không muốn biết một sự giải thích khoa học cho câu hỏi “vì sao bầu trời lại màu xanh?” đâu.
Khi bạn bắt đầu mệt mỏi với những câu hỏi, hãy hỏi ngược lại bé: “Con nghĩ như thế nào?”. Nếu bạn thấy bé liên tục hỏi về một chủ đề nào đó, ví dụ như là những đám mây, hãy đề nghị bé cùng đến thư viện và nghiên cứu một vài quyển sách nói về chủ đề này. Ai biết được câu hỏi của trẻ sẽ đưa bạn đi đâu. Nhưng ít nhất, bạn cũng học được cách để giải thích mây hình thành từ một khối.
Đặc biệt, ba mẹ cũng đừng quên dạy bé tính kiên trì. Bởi lẽ nếu có óc tò mò nhưng lại thiếu đi sự kiên trì thì mãi mãi sẽ chỉ là những câu hỏi không đáp án